[State: California, US]
[Clip giới thiệu: www.youtube.com/watch?v=9IukS4A8aPs]
---
San Francisco là thành phố có mật độ dân cư đông thứ năm ở Mỹ, cũng chính là trung tâm văn hóa - thương mại - tài chính ở Bắc California. Đặc trưng của thành phố là nhiều sương mù, khí hậu mát lạnh với những con đường dốc khúc khuỷu bên bờ Thái Bình Dương. Những điểm tham quan nổi tiếng nhất nơi này là Cầu Cổng Vàng, Bến Ngư Phủ, đường hoa Lombard, Chinatown và Bảo tàng Nghệ thuật. San Francisco còn là nơi đóng đô của các tổng công ty như Twitter, Uber, Mozilla, Salesforce.com, Dropbox, Reddit, Airbnb và Pinterest. Theo thống kê năm 2010, người châu Á chiếm 33% dân số tại đây.
Về tên gọi, San Francisco trong tiếng Tây Ban Nha nghĩa là "Thánh Phanxicô" (Saint Francis). Người Hoa gọi nơi này là Cựu Kim Sơn (舊金山) vì khi xưa đây là nơi người ta đổ xô đi tìm vàng. Ngoài ra, San Francisco còn có những biệt danh khác như The City by the Bay, Golden Gate City, Frisco, SF, và Fog City.
Cầu Cổng Vàng (Golden Gate bridge)
Cầu Cổng Vàng được biết đến như là một biểu tượng quốc tế của bang California và nước Mỹ. Cầu bắt ngang eo biển Cổng Vàng, một eo biển nối Vịnh San Francisco và Thái Bình Dương. Và eo biển này được xem như cánh "cổng vàng" cho các giao dịch giữa Mỹ và phương Đông (và đây là nguồn gốc của tên gọi "Cổng Vàng").
Vào thời điểm khánh thành năm 1937, đây là cầu treo dài nhất và cao nhất thế giới, với nhịp giữa dài 1280m và chiều cao 227m. Cầu được xây trong hơn 4 năm, và từng vấp phải phản đối vì xâm hại nét tự nhiên của eo biển.
Cầu Cổng Vàng xuất hiện trong nhiều bộ phim Mỹ như Star Trek, Godzilla, Superman, Hulk, X-Men: The Last Stand, Monsters vs. Aliens, Rise of the Planet of the Apes, ...
Công viên Cổng Vàng (Golden Gate park)
Cách 7km từ cầu Cổng Vàng là Công viên Cổng Vàng với diện tích 412 ha. Đây hiện là công viên có số người tham quan đông thứ năm ở Mỹ, với khoảng 13 triệu lượt khách mỗi năm. Các địa điểm được nhiều người biết đến ở công viên này như: Đại sảnh Âm nhạc (Music Concourse), bảo tàng De Young (de Young Museum), Viện Khoa học California (California Academy of Science), Vườn trà Nhật Bản (Japanese Tea Garden), Vườn bách thảo (Botanical Garden),...
Đại sảnh Âm nhạc là khu plaza ngoài trời, nơi mà mọi người tập trung lại để thưởng thức các màn trình diễn nhạc. Bên dưới khu này là bãi xe ngầm với sức chứa khoảng 800 xe hơi.
Bảo tàng De Young là một bảo tàng nghệ thuật, mở cửa từ năm 1921. Công trình được xây dựng bằng đồng, với ý tưởng nhằm chống chọi lại ánh nắng và sương mù của vùng San Francisco.
Gần Đại sảnh Âm nhạc và Bảo tàng De Young là Viện Khoa học California, nơi lưu giữ 26 triệu mẫu vật của thế giới tự nhiên. Trên nóc của công trình này là mái vòm thủy tinh được bao phủ bởi thảm thực vật rừng mưa nhiệt đới.
Đường hoa Lombard (Lombard street)
San Francisco có nhiều con đường dốc rất cao do địa hình đồi núi nơi đây. Vì vậy phương tiện công cộng nơi này không phải là xe buýt thông thường, mà là xe cáp kéo (cable car). Được thiết lập ngầm dưới mặt đường là hệ thống cáp kéo xe di chuyển, từ đó giúp xe chạy được trên những địa hình rất dốc. Di chuyển trên xe cáp kéo là một trải nghiệm thú vị dành cho du khách đến đây.
Và con đường dốc nổi tiếng nhất vùng này là đường hoa Lombard. Con đường đặc biệt ở nét uốn lượn ngoằn ngoèo trải từ đỉnh dốc xuống dưới, ven đường có trồng nhiều loại hoa đẹp. Chiều dài con đường hoa Lombard này khoảng 180m.
Bến Ngư Phủ (Fisherman's Wharf)
Bến Ngư Phủ là nơi neo đậu của các đội tàu đánh cá trong vùng, cũng là một trong những điểm đến không thể bỏ sót khi tham quan San Francisco. Nơi đây có nhiều nhà hàng hải sản và các quầy bán quà lưu niệm. Từ nơi này, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn vùng vịnh San Francisco tấp nập với du thuyền và những đàn chim hải âu bám biển.
Đặc biệt, ở cầu tàu 39 (Pier 39) là nơi trú ngụ của hàng loạt chú hải cẩu (sea lion). Những chú hải cẩu này trôi dạt đến đây từ trước trận động đất Loma Prieta năm 1989 và ở lại cho đến ngày nay.
Chinatown
Khu Chinatown, với tên gọi tiếng Hoa là Đường Nhân Nhai (唐人街), được thành lập từ năm 1848. Đây là khu phố người Hoa lớn nhất bên ngoài châu Á.
Hầu hết cư dân nơi đây chỉ có thể nói được tiếng Phổ thông (Mandarin) hoặc tiếng Quảng (Cantonese). Theo thống kê năm 2015, chỉ khoảng 14% hộ dân có thể nói được tiếng Anh lưu loát. Riêng đối với người Việt gốc Hoa, họ thiết lập một khu riêng trên đường Larkin, được xem như một "Little Saigon" thu nhỏ tại San Francisco.
(Nguyễn Mỹ - 9/2018)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét